Lịch sử Tam_Điệp

Lịch sử vùng đất Tam Điệp

Tam Điệp là một vùng đất cổ, những dấu tích người tiền sử ở dãy núi Tam Điệp cho thấy từ xa xưa nơi đây đã là một cái nôi của loài người. Tam Điệp nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông HồngBắc Trung Bộ. Đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa tương đối năng động, mang đặc trưng khác biệt trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích ở Núi Ba thuộc nền văn hóa Tràng An thời kỳ đồ đá cũ và một số hang động ở Tam Điệp có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình.

Về mặt quân sự, Tam Điệp giữ một vị trí quan trọng vì đèo Ba Dội nằm trong dãy Tam Điệp trước đây là một cửa giao thông hiểm yếu giữa Ninh BìnhThanh Hóa, dùng đường bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa hay từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, đều phải vượt đèo này. Hiện tại, nơi đây là đại bản doanh của Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, là một trong bốn binh đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn đơn vị quân đội khác đóng quân trên địa bàn thành phố là Lữ đoàn công binh 279 ở phường Nam Sơn.

Thời thuộc nhà Hán, đèo Tam Điệp được gọi là Cửu Chân Quan, là cửa ải giữa quận Cửu Chân và quận Giao Chỉ. Sau khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, căn cứ Cấm Khê mất, một số nghĩa quân lui xuống vùng Tam Điệp - Thần Phù để tiếp tục cuộc chiến đấu. Đầu thế kỷ 10, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền đã dựa vào sự hiểm trở của Tam Điệp để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở Thanh Hóa, rồi tiến ra đánh bại quân xâm lược Nam Hán ở thành Đại La và sông Bạch Đằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên, triều đình nhà Trần đã sử dụng bức trường thành Tam Điệp để bảo vệ hậu phương Ái Châu - Diễn Châu và làm chỗ dựa cho căn cứ Thiên Trường - Trường Yên. Năm 1527, nhà Mạc thay nhà Hậu Lê. Nhà Mạc tách lấy hai phủ Trường Yên và Thiên Quan của thừa tuyên Sơn Nam làm Thanh Hoa ngoại trấn. Vì lúc ấy, nhà Mạc chiếm giữ từ dãy núi Tam Điệp trở ra Bắc để chống lại nhà Hậu Lê. Vua Lê Trang Tông đã đắp lũy ở Tam Điệp để chống quân Mạc.

Vùng đất Tam Điệp là phòng tuyến kháng chiến của triều đại Tây Sơn thế kỷ 18, mảnh đất gắn với tên tuổi của anh hùng Quang Trung trong sự nghiệp giải phóng Thăng Long. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các địa danh và di tích. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Tam Điệp gắn liền với tín ngưỡng thờ phụng vua Quang Trung.

Cũng như các vùng miền núi Ninh Bình, Dãy núi đá vôi ở Tam Điệp tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: động Trà Tu, động Tam Giao. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thuỷ tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca như bài "Cửu Chân Quan" của Ngô Thì Sĩ và tấm bia khắc bài thơ "Quá Tam Điệp sơn" của vua Thiệu Trị làm năm 1842 khi đi tuần du qua núi Tam Điệp... Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.

Lịch sử đô thị Tam Điệp

Ngày 28 tháng 1 năm 1967, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định Quyết định 27-NV[6]. Theo đó, thành lập thị trấn nông trường Đồng Giao thuộc huyện Yên Mô.

Ngày 23 tháng 2 năm 1974, thị trấn Tam Điệp được thành lập trực thuộc tỉnh Ninh Bình, gồm các khu vực cơ quan, xí nghiệp đóng trên đất nông trường Đồng Giao ở dọc quốc lộ 1, nông trường Đồng Giao, nông trường Tam Điệp, hợp tác xã Mùa Thu (xã Yên Đồng, huyện Yên Mô) và hợp tác xã Quang Sỏi (xã Yên Sơn, huyện Yên Mô).[7]

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, thị trấn Tam Điệp trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.[8]

Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 125-CP[9]. Theo đó, hợp nhất huyện Yên Mô, 10 xã của huyện Yên Khánh và thị trấn Tam Điệp thành huyện Tam Điệp.

Sau khi hợp nhất, huyện Tam Điệp có thị trấn Tam Điệp (huyện lỵ) và 26 xã: Yên Bình, Yên Sơn, Khánh Thượng, Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Phong, Yên Từ, Yên Thành, Yên Mỹ, Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Đồng, Khánh Hòa, Khánh Phú, Khánh An, Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Ninh, Khánh Hải, Khánh Lợi, Khánh Tiên, Khánh Thiện.

Ngày 17 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 200-HĐBT[10]. Theo đó, tách thị trấn Tam Điệp và hai xã Yên Bình, Yên Sơn thuộc huyện Tam Điệp để thành lập thị xã Tam Điệp.

Sau khi thành lập, thị xã Tam Điệp có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 3 phường: Bắc Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn và 4 xã: Quang Sơn, Yên Bình, Yên Sơn, Đông Sơn.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Ninh Bình được tái lập từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, thị xã Tam Điệp trực thuộc tỉnh Ninh Bình.[11]

Ngày 9 tháng 4 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2007/NĐ-CP[12]. Theo đó:

  • Thành lập phường Tân Bình trên cơ sở điều chỉnh 751,80 ha diện tích tự nhiên và 5.205 nhân khẩu của xã Yên Bình.
  • Thành lập phường Tây Sơn trên cơ sở điều chỉnh 186,55 ha diện tích tự nhiên và 2.736 nhân khẩu của xã Quang Sơn; 37,71 ha diện tích tự nhiên và 1.429 nhân khẩu của phường Nam Sơn; 46,76 ha diện tích tự nhiên và 853 nhân khẩu của phường Bắc Sơn.

Từ đó, thị xã Tam Điệp có 5 phường và 4 xã trực thuộc.

Ngày 31 tháng 7 năm 2012, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 708/QĐ-BXD công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Ninh Bình.[1]

Ngày 10 tháng 4 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 904/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành lập thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.[3]

Sau khi thành lập, thành phố Tam Điệp có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 3 xã.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tam_Điệp //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/huong-toi... http://laodong.com.vn/an-choi-nhay-mua/say-long-oc... http://tdcc.com.vn/vn/Gioi-thieu/Gioi-thieu-chung.... http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Thong_bao/Thon... http://ninhbinh.gov.vn/c/document_library/get_file... http://tamdiep.ninhbinh.gov.vn/ubndtamdiep/4/469/3... http://www.ninhbinh.gov.vn/Trangch%E1%BB%A7/C%C3%A... http://www.ninhbinh.gov.vn/web/guest/cac-huyen-tha... http://www.ninhbinh.gov.vn/web/guest/kinh-te/view?...